Năm học 2021-2022: Các phương pháp ứng phó dịch COVID-19 của giáo dục tiểu học

Một buổi học trực tuyến của Học sinh Trường Tiểu học Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng) (Ảnh: hanoimoi)

Ngày 12/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị theo hình thức trực tuyến được tổ chức tại 1 điểm cầu tại Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), 63 điểm cầu tại 63 Sở GD&ĐT và hơn 700 điểm cầu đến các Phòng GD&ĐT cấp quận, huyện.

Tại Hội nghị, ngành giáo dục xác định nhiệm vụ của giáo dục bậc tiểu học cho năm học mới.

Đối với bậc tiểu học chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên; Khai thác, sử dụng sách giáo khoa, các nguồn học liệu, thiết bị dạy học hiệu quả, phù hợp thực tiễn; vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh; Tăng cường phối hợp giữa nhà trường với cha mẹ học sinh và các cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương trong việc tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường.

 Ngành Giáo dục đặt ra trong năm học mới là đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học để khắc phục, ứng phó với tác động của dịch COVID-19; chủ động có các phương án, kịch bản cụ thể để tổ chức dạy học phù hợp với tình hình dịch bệnh và khả năng đáp ứng của cơ sở giáo dục và điều kiện thực tế của người học. Đồng thời, Bộ GD&ĐT cũng thống nhất với các địa phương tổ chức xây dựng kho học liệu điện tử phù hợp để sẵn sàng cho việc tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình trong điều kiện dịch diễn biến phức tạp học sinh phải tạm dừng đến trường nhưng việc học vẫn không gián đoạn.

 Năm học 2020-2021 vừa qua, Bộ GD&ĐT đánh giá, đây là năm đặc biệt với ngành Giáo dục khi lần đầu tiên cả nước thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1. Năm học diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 khiến học sinh chỉ có thể trở lại trường học chính thức sau ngày khai giảng 5/9; học sinh lớp 1 không có 2 tuần làm quen nền nếp, môi trường học tập như các năm học trước.  Trước đó từ học kỳ II năm học 2019 – 2020, không ít địa phương vì ảnh hưởng của dịch đã phải cho học sinh tạm dừng đến trường; thầy trò từng bước làm quen và chuyển dần sang dạy học trực tuyến, mặc dù rất khó khăn nhưng cả thầy và trò đều rất cố gắng, đặc biệt là đối với các trường phổ thông ở các tỉnh còn khó khăn thiếu thốn trang bị kỹ thuật, điều kiện tiếp cận công nghệ phục vụ học tập đối với các em còn nhiều hạn chế. 

Bộ GD&ĐT đánh giá, ngành Giáo dục cả nước nỗ lực thực hiện nhiệm vụ kép, trong Năm học 2021 – 2022 phải vừa tích cực phòng chống dịch COVID-19, vừa triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1 và Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành đối với các lớp 2, 3, 4, 5. Bộ GD&ĐT ban hành nhiều Thông tư, văn bản kế hoạch, công văn, để kịp thời hướng dẫn địa phương tổ chức thực hiện nhiệm vụ Giáo dục Tiểu học.

Posted in: Uncategorized

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *