TP. HCM: Đề xuất dạy học trực tiếp đối với địa bàn dịch cấp 1, 2

Tờ trình do ông Nguyễn Văn Hiếu, giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM ký đề xuất giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên bắt đầu học trực tuyến từ ngày 1/9/2021 (trung học) và 8/9/2021 (tiểu học). Ngành giáo dục thành phố xác dịnh việc học trực tuyến sẽ kéo dài trong học kỳ I. Đối với giáo dục mầm non chưa bắt đầu năm học mới.

Ảnh minh họa.

Mục tiêu đặt ra là phải đảm bảo an toàn khi tổ chức hoạt động giáo dục đào tạo trực tiếp tại các cơ sở giáo dục phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19.

Theo đó các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 1 và 2 (nguy cơ thấp và trung bình) sẽ tổ chức dạy trực tiếp, nhưng không tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài nhà trường. 

Các cơ sở giáo dục ngoài công lập trong trường hợp đảm bảo các điều kiện an toàn, có thể bố trí nội trú, bán trú, xe đưa rước học sinh nhưng phải đảm bảo giãn cách, thực hiện đúng bộ tiêu chí đánh giá an toàn Covid-19 trong ngành giáo dục do UBND TP ban hành. Các trường cũng cần chuẩn bị hạ tầng công nghệ, phương tiện để sẵn sàng chuyển sang dạy học trực tuyến khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Tại các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 3 (nguy cơ cao), cần tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với dạy học trực tuyến, trên truyền hình, không tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài lớp học. Với cấp học phổ thông, ưu tiên dạy trực tiếp các lớp 1, lớp 2, lớp 6, lớp 9 và lớp 12. Khi tổ chức học trực tiếp nên bố trí lệch ca, lệch giờ, không tập trung đông người, giãn cách tối đa.

Đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao) tiếp tục tổ chức dạy học trực tuyến, trên truyền hình, giao bài tự học.

Với giáo dục mầm non, chỉ những giáo viên được tiêm ngừa vắc xin phòng Covid-19 trước 2 tuần mới được bắt đầu vào trường. Giáo viên tiêm đủ liều vắc xin dược phép di chuyển từ nhà đến trường để làm việc. Thời gian đầu chỉ nhận giữ trẻ 1 buổi, không ăn sáng, không bán trú, chia đôi lớp và bố trí lệch buổi. Sau mỗi tuần, Phòng GD-ĐT đánh giá độ an toàn và các điều kiện để tham mưu UBND huyện điều chỉnh phương án theo hướng mở dần (tổ chức ăn sáng, bán trú, bỏ tách lớp…).

Hiện nay, TP.HCM có 9 quận, huyện đạt cấp 1 (bình thường mới); 12 địa phương cấp 2 (nguy cơ trung bình) và 1 quận ở cấp 3 (nguy cơ cao). Cụ thể, vùng xanh (cấp độ 1) gồm: Thành phố Thủ Đức, các quận huyện Gò Vấp, Tân Bình, 1, 7, 8, 10, Cần Giờ, Củ Chi. Vùng vàng (cấp độ 2) gồm các quận huyện: 3, 4, 5, 6, 11, 12, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Phú, Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh. Quận Bình Tân là địa phương duy nhất ở vùng cam (cấp độ 3).

Posted in: Uncategorized

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Gia đình có chồng và con mù lòa nuôi vợ tàn tật

Nằm bên dòng sông Kiến Giang thơ mộng, nhưng ngôi nhà của anh Lê Văn Dũng (51 tuổi, trú tại thôn Uẩn Áo, xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) lại không được yên ả như dòng sông. 

Ngôi nhà cấp 4 đã xuống cấp từ lâu này là nơi mà anh cùng vợ và 2 người con sinh sống. Cả gia đình 4 người thì 3 người đều bị khuyết tật, anh Dũng từ nhỏ thị lực đã yếu, đến năm 25 tuổi thì mất đi thị lực hoàn toàn. 

Con gái anh, cháu Lê Thảo Vân năm nay 13 tuổi, vì mang gen của anh nên cũng bị mù từ lúc lên 10, nên 3 năm nay đành phải bỏ dở việc học tập, ở nhà cùng bố mẹ. Vợ anh cũng bị khuyết tật ở chân, cộng thêm chứng thiểu năng khiến cho cô không làm được gì nhiều, may mắn thay đứa con út của anh hiện đang học lớp 3, là người duy nhất còn lành lặn trong gia đình.

Nguồn thu nhập chính của cả gia đình chủ yếu đến từ nguồn trợ cấp xã hội và từ chính đôi bàn tay của anh Dũng. Mỗi tháng anh được trợ cấp xã hội với số tiền 810.000 đồng, tuy nhiên để nuôi cả gia đình 4 người thì số tiền này là quá ít. 

Cũng nhờ hội chữ thập đỏ của tỉnh mà anh được dạy cho nghề xoa bóp bấm huyệt, được cấp các trang thiết bị để làm dịch vụ tại nhà của mình. 

Mỗi lần bấm huyệt anh chỉ lấy của khách hàng từ 30.000 đồng đến 50.000 đồng, tùy vào thời gian bấm huyệt. Mỗi ngày thường có khoảng 1 đến 2 khách đến nhà anh để bấm huyệt, thu nhập trung bình hàng ngày cũng chỉ khoảng trên dưới 50.000 đồng. Mỗi tháng bình quân anh kiếm được khoảng 500.000 đồng đến 800.000 đồng từ nghề xoa bóp bấm huyệt này. 

Tuy nhiên, từ lúc tỉnh Quảng Bình bắt đầu xuất hiện dịch COVID-19, người dân hạn chế đi lại nên lượng khách hàng của anh cũng sụt giảm mạnh, có những tháng gia đình anh chỉ sống bằng mỗi tiền trợ cấp xã hội. Cuộc sống vốn đã vất vả, nay còn cơ cực hơn trước nhiều.

Anh Dũng tâm sự, “mình là người đàn ông trong gia đình mà, tuy rằng mình mù những vẫn phải làm để cố gắng cho vợ con một cuộc sống tốt hơn, vợ con mình đã quá thiệt thòi rồi. Mình chỉ không nhìn thấy, chứ tay chân mình vẫn còn hoạt động được, mà còn hoạt động được là còn làm. Mình cũng không muốn là gánh nặng cho xã hội, cho gia đình mình”.

Anh Dũng đang tận tâm xoa bóp, bấm huyệt cho khách hàng. Ảnh: H.L

Người con gái đầu của anh, cháu Lê Thảo Vân cũng bị tình trạng như anh lúc trẻ. Cháu từ khi sinh ra thị lực đã yếu, phải theo học tại Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật của huyện, từ lúc lên 10 tuổi, do mất thị lực hoàn toàn nên cháu phải ở nhà với bố mẹ đã 3 năm nay.

Giờ cả ước mơ của gia đình đều đặt trọn vào đứa con trai út, người duy nhất còn lành lặn trong gia đình. Mọi việc liên quan đến chữ viết trong gia đình giờ đều do chính cậu nhóc lớp 3 này đảm nhiệm. 

Anh Dũng nói trong nước mắt, “cháu lớn hết hi vọng rồi, tội cho cháu, gia đình nghèo quá, không có tiền chạy chữa kịp thời cho cháu. Giờ mọi hy vọng đều đặt cả vào đứa con út của mình cả, mong là hắn không bị như ba và chị”.

Gia đình anh Dũng là hộ nghèo trong thôn, nên mọi học phí của cậu con trai đều được miễn giảm, nếu không có lẽ gia đình cũng không kham nổi việc nuôi cháu ăn học.

Bà con xóm làng thương cho hoàn cảnh của anh, cũng động viên giúp đỡ anh rất nhiều.

Giờ đây, anh Dũng cũng chỉ mong có tiền chăm lo cho gia đình, chăm lo cho việc học tập của người con trai út còn lành lặn, người đang mang trên mình ước mơ của cả gia đình về một cuộc sống tươi sáng hơn.

Posted in: Uncategorized

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *