Chàng trai bị chất độc da cam: ‘Dùng hết khả năng để làm nhiều điều tốt đẹp’

Anh Lê Thái Bình (SN 1988, ở xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) lớn lên trong gia đình nghèo khó, anh chịu ảnh hưởng chất độc da cam nặng từ ông nội.

Từ khi còn nhỏ cho đến lúc trưởng thành, cuộc đời anh Bình gắn liền với chiếc xe lăn, giọng nói khó khăn, không được bình thường. Thế nhưng, bù lại anh rất ham học, thông minh và hoạt bát. Sau khi hoàn thành khoá học Tin học tại Trung tâm dạy nghề người khuyết tật Hà Tĩnh, anh quyết định lập nghiệp bằng cách mở tiệm Internet tại quê nhà. Những ngày đầu khởi nghiệp, anh vay mượn  người thân bạn bè mua dàn  máy tính 15 chiếc mở cơ sở tin học tại nhà.

Không đầu hàng số phận, chàng trai trẻ đã tìm tòi, học hỏi và tạo nên giá trị cuộc sống cho mình và xã hội (Ảnh: Gia đình.net.vn)

Bước đầu gặp khá nhiều khó khăn vì thiếu vốn, hạn chế kỹ năng quản lý và cà những dị nghị từ xóm giềng nhưng sau  một thời gian, họ đã hiểu được ý nghĩa việc làm của anh. Các em nhỏ được anh hướng dẫn, sử dụng thành thạo các phần mềm máy tính như: Word, excel, photoshop hay giải toán, tiếng Anh qua mạng …Để đáp ứng nhu cầu học tập của các em ngày càng tăng, anh đã nâng cấp tiệm Internet của mình thành “Cơ sở tin học”, đầu tư thêm máy tính và các thiết bị; tạo việc làm cho một số thanh niên địa phương và đặc biệt là những người khuyết tật như anh.

Bên cạnh đó, anh Bình còn lập trang Facebook “Nhóm hướng thiện từ trái tim”, nhằm kết nối với các ban trẻ lại với nhau tổ chức chương trình từ thiện giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tính đến nay, nhóm của anh đã có hơn 100 người tham gia. Nhóm thiên nguyện của anh Bình còn tham gia nhiều hoạt động như:  “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” nhân kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sỹ hàng năm; “Điều kỳ diệu cuộc sống” dành cho người khuyết tật; “Trung thu yêu thương – nâng bước em đến trường” tại làng trẻ em mồ côi SOS tỉnh Hà Tĩnh,…

Anh Bình cùng nhóm tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện (Ảnh: Gia đình.net.vn)

Ngoài tham gia vì cộng đồng, Bình còn dành 15m2 trong cơ sở tin học của mình để mở tủ sách với tên gọi “Không gian đọc sách Thái Bình”. Tủ sách của anh hiện có hơn 2.000 cuốn sách về nhiều thể loại như văn học, truyện đọc thiếu nhi, sách khởi nghiệp, kỹ năng sống… 2 năm đi vào hoạt động, tủ sách của anh thu hút hơn hàng ngàn độc giả là học sinh, thanh niên và người dân trên địa bàn tìm đến đọc và mượn sách.

“Tôi sẽ dùng hết khả năng để làm thật nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống. Tôi sẽ được đứng trước mọi người thuyết trình về những con người khuyết tật, để mọi người có thể thay đổi cái nhìn về những người có hoàn cảnh giống tôi.”, anh Bình chia sẻ nguyện vọng.

Anh Khôi vừa bán vé số, vừa đồng hành thiện nguyện giúp đỡ người khuyết tật khó khăn (Ảnh: Thanh Niên)

Tấm gương của anh Bình xứng đáng để mọi người noi theo, ngưỡng mộ và cũng giống như nghị lực anh Phạm Văn Khôi (35 tuổi, ngụ xã Hòa Chánh, huyện U Minh Thượng, Kiên Giang). Vốn sinh ra bình thường, nhưng vì biến cố tai nạn, anh Khôi đã phải cắt bỏ chân và tay trái. Không gục ngã, anh vừa đi bán vé số để có tiền trang trải cuộc sống, vừa trích kinh phí giúp đỡ người khuyết tật. Anh còn lập kênh Youtube, tìm kiếm những mảnh đời người khuyết tật khó khăn nhằm kết nối và kêu gọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm. Mong muốn của anh là giúp đỡ thật nhiều những người cùng cảnh ngộ, lan toả thông điệp tích cực.

Không chỉ có anh Bình hay anh Khôi, trong cuộc sống chúng ta có không ít những tấm gương người khuyết tật làm việc tốt, giúp đời giúp người và làm nên giá trị tinh thần lớn lao. Dù bạn là ai, người như thế nào thì trái tim yêu thương và niềm hi vọng không bao giờ lụi tắt.

Posted in: Uncategorized

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *