Sang Úc làm thêm, “ở ké” nhà bạn, người phụ nữ nước ngoài mở trường dạy học sinh khuyết tật

Bà Maire MCCainn (65 tuổi, người Úc) vốn một nữ y tá, đến phố cổ Hội An năm 2006 sau khi gặp một chuyện buồn gia đình. Chuyến đi đã giúp bà nhận thấy, trẻ em khuyết tật ở Việt Nam còn thiếu thốn điều kiện chăm sóc. Từ đó, bà nung nấu ý định mở một trung tâm hỗ trợ đặc biệt dành cho trẻ khuyết tật tại Hội An. Ý tưởng của bà được bạn bè ở cả hai nước ủng hộ, giúp đỡ thực hiện. Tuy nhiên, quá trình mở trường cũng trải qua nhiều thủ tục rườm rà, phải đến năm 2011, ngôi trường mới được ra đời. 

Do không có nhà riêng, để đón trẻ vào học bà Mai phải bỏ tiền túi ra thuê. Cơ sở ban đầu nằm trong trung tâm Hội An, sau đó do yêu cầu mở rộng cơ sở vật chất nên trường được di dời ra địa điểm hiện nay. Phụ huynh ở khắp nơi trong tỉnh Quảng Nam như Duy Xuyên, Quế Sơn, Điện Bàn nghe tin đã đưa con tới xin nhập học. Chỉ vài tháng mở cửa, số học viên của trường kín chỗ và hiện nay hằng năm đều có danh sách dài hàng trăm trẻ đang được chờ tới lượt được nhận vào.

Bà Maire MCCainn cùng các cộng sự (Ảnh: Tuổi trẻ)

Cậu học sinh Trần Văn Sơn – quê ở TP Hội An – học viên đầu tiên của ngôi trường không thanh âm này. Em bị điếc từ nhỏ, từ khi biết tới trường, em được cha mẹ gửi tới học chữ. Mấy năm gắn bó nơi này, nay Sơn đã tự viết được một văn bản hoàn chỉnh. Mấy năm qua, khi đã là một chàng trai cao lớn thì Sơn được các cô giáo cho phép vừa học ở trường vừa đi học nghề thợ mộc ở một cơ sở do nhà trường tổ chức.

Gắn bó với Hội An, với trường đã nhiều năm nên mọi người thường gọi bà Maire MCCainn bằng một cái tên rất Việt Nam là “cô Mai, mẹ Mai”. Toàn bộ chi phí học tập, ăn ở “trường cô Mai” xem như được miễn phí nhưng để gắn trách nhiệm với gia đình, nhà trường sẽ thu mỗi em tối đa mỗi tháng 800.000 đồng, những em có hoàn cảnh khó khăn sẽ được miễn phí.

Theo bà Maire MCCainn, chi phí duy trì ngôi trường của bà mỗi tháng tốn không dưới 80 triệu đồng, bao gồm tiền thuê nhà, tiền lương cho nhân viên, tiền ăn trưa của trẻ…

Trẻ em khiếm thính, câm điếc được trải nghiêm những kiến thức, môn học thú vị (Ảnh: Tuổi trẻ)

Để có tiền duy trì hoạt động, suốt nhiều năm nay mỗi năm bà đều tranh thủ về Úc 3 tháng để làm công việc chăm sóc y tế ở những vùng đặc biệt. Những nơi này ít người làm, công việc vất vả nên mức lương bà nhận được sẽ cao hơn bình thường. Toàn bộ tiền gom góp được bà dành để “nuôi trường” ở Hội An. Bên cạnh đó,nhóm bạn khoảng 20 người ở Úc thường xuyên trích lương hưu mỗi tháng để cùng bà giúp đỡ. Ngoài các nguồn cố định, bà Mai cũng có một hoạt động vận động gây quỹ rất đặc biệt: mời bạn bè cùng uống cà phê online qua điện thoại, để dành tiền đó gửi cho bà duy trì trường học ở Việt Nam.

Thay vì ra quán cà phê, các thành viên sẽ online cùng nhau vào một buổi sáng qua màn hình điện thoại và dành ra được 5 đôla Úc (ước tính cho cho mỗi ly cà phê) để chuyển vào quỹ nuôi dạy trẻ. Nhiều năm qua, bà Mai cũng tới ở “ké” nhà người bạn, khoản tiền tiết kiệm bà đều dành giúp đỡ trẻ.

Tương tự, có những lớp học cũng đặc biệt như thế ở Hà Nội. Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương (Hà Nội) có gần 200 học sinh khiếm thính, từ lớp 1 đến 12. Trong đợt dịch, các em được bố trí lịch học online tương tự thời khóa biểu trên lớp, mỗi ngày 4-5 tiết buổi sáng, đôi khi học phụ đạo. Những em học xong lớp 12 được tạo điều kiện liên thông lên Cao đẳng Sư phạm Trung ương, học hòa nhập với sinh viên bình thường.

Bên cạnh những lớp học online như cho trẻ khiếm thính hoặc khiếm thị, các cô giáo hướng dẫn trẻ tự kỷ phải đến nhà dạy trực tiếp.

Posted in: Uncategorized

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *