2 người khiếm thị toả sáng nghị lực, giúp đỡ người cùng cảnh ngộ

Ngã rẽ cuộc đời của nữ cử nhân đại học khiếm thị

Chị Phạm Thị Huyên,  sinh năm 1986, Chủ tịch Hội người mù (HNM) thành phố Bắc Ninh. Vốn sinh ra khoẻ mạnh, phát triển bình thường và ước mơ là đôi mắt cho người em gái không may khiếm thị khi mới vài tuổi. Nào ngờ, năm 17 tuổi, căn bệnh thoái hóa sắc tố võng mạc giống của em gái lặp lại với chị. Bóng tối cứ dần che đi những khoảng sáng mong manh xót lại ở những năm cuối Đại học. 
Ngày nhận bằng cử nhân của chị trở nên buồn bã khi bao ước mơ, dự định đành chôn vùi trong bóng tối.

Nhờ được em gái động viên, chị Huyên mới có thể vực dậy tinh thần, tìm cơ hội thay đổi tương lai. Chị quyết tâm đăng ký tham gia lớp học vi tính và chữ nổi tại Hội Người mù tỉnh. Với sự nhạy bén và nỗ lực, chẳng bao lâu, chị sử dụng thành thạo chữ nổi và máy tính để hòa nhập với cộng đồng. Được sống trong tình yêu thương của thầy cô, sự chia sẻ, cảm thông của bạn bè đồng cảnh ngộ, chị dần thay đổi, khát khao tạo ra những niềm vui cho bản thân, trân trọng và yêu thương mọi người, tích cực tham gia các phong trào hoạt động của Hội.

Vào năm 2017, chị Huyên giữ chức Chủ tịch HNM thành phố Bắc Ninh. Không phụ lòng mong mỏi của mọi người, chị Huyên tích cực sáng tạo các hoạt động Hội thông qua tổ chức  chương trình ý nghĩa như: “Tết ấm tình người”, “Tết ấm tình thương”, “Vầng trăng yêu thương – Nâng bước em đến trường”; tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về chăm sóc sức khỏe cho chị em phụ nữ, chuyên đề kỹ năng giao tiếp cho hội viên trẻ… Với mong muốn gây quỹ và tuyên truyền về các hoạt động Hội, chị Huyên tích cực triển khai chương trình giao lưu văn nghệ “Chắp cánh yêu thương” tại các phường, xã và trường học. Chương trình được cộng đồng hưởng ứng, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, giúp cộng đồng hiểu hơn về Hội và hoàn cảnh người khiếm thị. Nhờ vậy, không ít các hoàn cảnh khó khăn, trẻ em và mẹ đơn thân được giúp đỡ, hỗ trợ vươn lên trong cuộc sống.

Chị Huyên bộc bạch: “Những khó khăn của người khuyết tật nói chung và khiếm thị nói riêng còn nhiều lắm, vì vậy, tôi nghĩ mình cần học hỏi, nâng cao trình độ, năng lực công tác và có những hoạt động đổi mới trong công tác Hội nhằm mang lại niềm vui, hạnh phúc cho người mù”. Tuy đôi mắt đã không còn nhìn được nữa, song trong từng lời nói, câu chuyện chị chia sẻ, luôn thể hiện sự lạc quan, niềm tin vào một tương lai tươi sáng.

Chị Huyên và em Nghị trong chương trình “Toả sáng nghị lực Việt” (Ảnh: Báo Bắc Ninh)

Chàng sinh viên khiếm thị thích sáng tác thơ, viết truyện ngắn

Nguyễn Đức Nghị, sinh năm 2000, phường Phù Chẩn (thành phố Từ Sơn), sinh viên năm thứ ba, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam. Khi đang học  lớp 8, thị lực đột nhiên suy giảm chỉ còn 1/10, Nghị thường xuyên bị vấp ngã do không trông rõ đường đi.  Sau đó, thị lực của Nghị càng diễn biến xấu, không thể nhìn thấy ánh sáng, ở trên lớp chỉ tiếp nhận kiến thức qua nghe giảng, việc đi lại hoàn toàn nhờ đến hỗ trợ của bạn bè. Bác sĩ chẩn đoán Nghị  bị bong võng mạc và hiện chưa tìm được phương pháp chữa trị, khi ấy Nghị mới 15 tuổi.

Qua sự giới thiệu của trưởng thôn, Nghị biết đến Hội Người mù thị xã Từ Sơn (nay là thành phố Từ Sơn) và quyết định tham gia lớp học chữ nổi. Qua sự giới thiệu của trưởng thôn, Nghị biết đến Hội Người mù thị xã Từ Sơn (nay là thành phố Từ Sơn) và quyết định tham gia lớp học chữ nổi. 

Khăn gói đến trường Nguyễn Đình Chiểu học cách nhà 50km, xa nhà, xa bố mẹ nên Nghi vùi đầu vào học hành, trải lòng ở con chữ, vừa học chữ nổi, vừa sáng tác thơ và tập tành viết truyện ngắn. Tác phẩm “Cuộc chạy trốn của gia đình đồ chơi” của Nghị được phát sóng trên kênh VOV2 trong chương  trình Văn nghệ thiếu nhi. Nghị cộng tác thường xuyên với báo Giáo dục Thời đại, tạp chí Hướng nghiệp và Hòa nhập với hàng chục tác phẩm thơ ca được đăng tải.

Năm 2019, Nghị được tuyển thẳng vào ngành Quan hệ Công chúng, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam. Học Đại học là thử thách mới với Nghị, bởi môi trường này đòi hỏi sự tự học thông qua việc tra cứu tài liệu. Hạn chế  thị lực khiến Nghị không thể đọc tài liệu chữ in. Không có tài liệu, Nghị nhờ bạn cùng lớp đọc và đánh máy, nghe đi nghe lại bản ghi âm bài học dài cả mấy tiếng rồi chép lại kiến thức quan trọng. Cuối năm nhất, Nghị nhận được học bổng của trường. 

Bên cạnh đó, Nghị còn đạt được nhiều thành tích đáng nể như: Giải nhì cuộc thi công dân số toàn cầu; Giải 3 cuộc thi thanh niên với Văn hóa giao thông; giải khuyến khích cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc; Giải 3 nghiên cứu khoa học cấp khoa với đề tài “Truyền thông với người khiếm thị tại Hội người mù thành phố Hà Nội; Giải khuyến khích cuộc thi viết chuyện của Hà Nội do báo Hà Nội Mới tổ chức…

Posted in: Uncategorized

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *