Nhiều giáo viên dạy trẻ khuyết tật bị “bỏ quên” chế độ phụ cấp

Theo báo Người Lao Động, một thầy giáo trực tiếp dạy trẻ khuyết tật tại Trường THCS Phú Nhuận (huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hoá) cho biết từ năm 2016 tới nay, ông và hàng chục thầy cô khác đã tham gia dạy học sinh khuyết tật trong trường, mỗi kỳ học đều có thống kê, báo cáo. Tuy nhiên, đã 5 năm trôi qua, hàng chục thầy cô tại trường chưa nhận được tiền phụ cấp.

Điều này cũng được chính Hiệu trưởng Trường THCS Phú Nhuận xác nhận. Ông Nguyễn Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường THCS Phú Nhuận cho biết, năm nào  nhà trường cũng thống kê báo cáo huyện nhưng khi hỏi thì được biết chưa có tiền.

Tình trạng này không chỉ có ở 42 trường ở huyện Như Thanh, mà còn có tất cả 27 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa với hàng ngàn giáo viên, chưa nơi nào thực hiện chi trả tiền trợ cấp cho những người đứng lớp dạy trẻ khuyết tật bậc mầm non tới THCS.

Bà  Lê Thúy Lan, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Như Thanh, cho biết đến thời điểm này, giáo viên đứng lớp dạy trẻ khuyết tật trên địa bàn chưa được nhận chế độ theo Nghị định 28 và Nghị định 113. Nguyên nhân là do Sở Tài chính chưa cấp kinh phí. 

Tương tự, báo Dân Việt từng phản ánh về vụ việc nhiều giáo viên dạy học sinh khuyết tật ở tỉnh Yên Báo chưa được nhận phụ cấp từ năm 2016 đến nay. Theo cô giáo  Nguyễn Thị Thủy- trường THCS Lê Hồng Phong, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, từ năm 2016 đến nay chưa có giáo viên nào được nhận, riêng bà có năm học dạy hơn 300 tiết, ước tính tiền phụ cấp được hưởng khoảng 5 -6 triệu/năm. 

Nhiều giáo viên  ở thị trấn Yên Thế cũng cho biết chưa nhận được tiền phụ cấp. Giải thích cho việc này, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lục Yên, Yên Bái cho rằng do chưa bố trí được nguồn tiền ngân sách.

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã gửi Văn bản số 3448/UBND-TC đến Bộ Tài chính về việc Báo cáo nhu cầu kinh phí thực hiện chính sách phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo trực tiếp giảng dạy người khuyết tật từ tháng 1/2016 đến tháng 5/2020 là hơn 39 tỷ đồng. UBND tỉnh Yên Bái đã báo cáo Bộ Tài chính xem xét, thẩm định và cấp kinh phí cho ngân sách địa phương.

Được  biết, theo Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật quy định về chế độ phụ cấp, chính sách ưu đãi đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật như sau:

1. Các đối tượng sau đây được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định tại Nghị định số 61/2006/ NĐ-CP ngày 20/6/2006 của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn:

a) Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trực tiếp giảng dạy, quản lý người khuyết tật theo phương thức giáo dục chuyên biệt trong cơ sở giáo dục chuyên biệt, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập;

b) Nhà giáo trực tiếp giảng dạy người khuyết tật theo phương thức giáo dục chuyên biệt trong các cơ sở giáo dục không thuộc điểm a khoản này.

2. Nhà giáo trực tiếp giảng dạy người khuyết tật theo phương thức giáo dục hòa nhập không thuộc quy định tại Khoản 1 điều này được hưởng phụ cấp ưu đãi như sau: Phụ cấp ưu đãi giảng dạy người khuyết tật = Tiền lương 1 giờ dạy của giáo viên x 0,2 x Tổng số giờ thực tế giảng dạy ở lớp có người khuyết tật.

Posted in: Uncategorized

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *