Năm 2024: Gạo và rau quả hai mặt hàng xuất khẩu hiệu quả

Kiên định với mục tiêu 54 tỉ USD

Trong bối cảnh kinh tế thế giới năm 2023 có nhiều biến động, nhưng ngành nông nghiệp vẫn kiên định với mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 54 tỉ USD. Theo số liệu thống kê, trong 11 tháng qua, xuất khẩu toàn ngành nông, lâm, ngư nghiệp đạt 47,84 tỉ USD, vẫn giảm 2,7% so với cùng kì năm ngoái. Tuy nhiên, tháng 11 năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 4,8 tỉ USD, tăng 13% so với cùng kì năm 2022. Thặng dư thương mại ngành đạt 10,55 tỉ USD, tăng 33,7% so với cùng kì năm ngoái.

Anh Tâm phấn khởi bên vườn sầu riêng cho trái vụ đầu tiên. Ảnh Trọng Triết

Đáng chú ý, trong tháng 12, nhu cầu tiêu dùng nông sản thế giới tăng lên để đáp ứng các đợt lễ giáng sinh và năm mới, do đó xuất khẩu nông sản sẽ tăng. Các thị trường đang ấm dần, cùng với nguồn vốn tín dụng 15 nghìn tỉ đồng được giải ngân thì thủy sản và lâm sản cũng sẽ vươn lên trong thời gian còn lại của năm.

Điểm sáng của xuất khẩu gạo và rau quả

Đến nay, ngành nông nghiệp có đã có 6 mặt hàng có giá trị xuất khẩu đạt trên 3 tỉ USD, gồm: cà phê, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ. Nhìn tổng quan năm nay, xuất khẩu nông lâm thủy sản có sự phân hóa mạnh giữa các nhóm ngành, sản phẩm. Trong đó, điểm sảng lớn nhất là xuất khẩu gạo và rau quả liên tục tăng vọt trong nhiều tháng, bên cạnh một số ngành hàng chủ lực giảm sâu. Có thể ví von, gạo và rau quả đang là hai con “ắt chủ bài” của ngành nông nghiệp năm 2023.

Với những lợi thế của rau quả, lúa gạo, hạt điều… và sự ổn định trở lại trong xuất khẩu lâm sản, thủy sản, dự tính xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 12 sẽ đem về hơn 5 tỉ USD. Như vậy, cả năm sẽ trên 53 tỉ USD tiệm cận với con số 53,2 tỉ USD của năm 2022.

Riêng đối với lúa gạo, trong 11 tháng năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu 7,75 triệu tấn gạo, giá trị 4,41 tỉ USD, tăng 36,3% so với năm ngoái. Đây là con số kỉ lục cao nhất từ trước tới nay. Việt Nam đã có 85% giống lúa mới, 89% gạo chất lượng cao, đây chính là ưu thế Việt Nam đã và đang xây dựng chuỗi lúa gạo. Mới đây, gạo Việt Nam được Hội nghị Thượng đỉnh lúa gạo toàn cầu công nhận là gạo ngon nhất thế giới, một lần nữa khẳng định giá trị, thương hiệu gạo Việt Nam trên trường quốc tế.

Tuy diện tích trồng lúa giảm, nhưng nhờ áp dụng những tiến độ kĩ thuật canh tác nên năng suất và sản lượng lúa tiếp tục tăng. Trong 11 tháng cả nước thu hoạch được 41,17 triệu tấn lúa, cả năm sẽ đạt trên 43 triệu tấn, thậm chí có thể đạt 44 triệu tấn.  Như vậy, vừa phục vụ cho 100 triệu dân, vừa đảm bảo đủ cho chế biến, dự trữ, chăn nuôi, làm giống cũng như xuất khẩu.

Với kết quả đến thời điểm này, dự tính cả năm 2023 nước ta có thể xuất khẩu 8,3 – 8,4 triệu tấn gạo, kim ngạch 4,7 – 4,8 tỉ USD. Nếu đạt được con số này, xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ vượt qua được Thái Lan về giá trị.

Còn đối với ngành rau quả, xuất khẩu trong tháng 11/2023 đạt 500 triệu USD, tăng 65,2% so với tháng 11/2022. Tính chung, trong 11 tháng/2023, trị giá xuất khẩu rau quả đạt 5,3 tỉ USD, tăng 74,5% so với cùng kì năm ngoái. Trong đó, dẫn đầu về trị giá xuất khẩu là quả sầu riêng đạt 2,07 tỉ USD, tăng 606,3%; quả mít đạt 168,6 triệu USD, tăng 35,5%; quả xoài đạt 154 triệu USD, tăng 41,4% so với cùng kì năm ngoái. Xuất khẩu nhóm sản phẩm rau quả chế biến đạt 996,5 triệu USD, tăng 18% so với cùng kì năm ngoái. Nhìn chung trong cơ cấu chủng loại hàng rau quả xuất khẩu, nhóm quả vẫn tập trung chủ yếu dưới dạng tươi và đông lạnh.

Với sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 74%, đã đưa xuất khẩu ngành rau quả vượt xa mọi dự tính. Lần đầu tiên con số 5 tỉ USD cho một mặt hàng nông sản đã được thiết lập. Nếu tháng 12/2023, xuất khẩu rau quả đạt được kim ngạch 500 triệu USD thì kết quả xuất khẩu rau quả cả năm sẽ đạt 5,8 tỉ USD.

Giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng gạo

Lúa gạo là ngành sản xuất truyền thống và quan trọng của Việt Nam, tạo sinh kế cho hàng chục triệu nông dân trên cả nước. Những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong sản xuất lúa gạo, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và hiện vẫn giữ vững vị trí là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới với kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng cao…

Đặc sản gạo đóng túi bán ở siêu thị. Ảnh Trọng Triết

Ngành hàng lúa gạo Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn và tồn tại, nhất là trong bối cảnh hiện nay với những biến động của thị trường thế giới, biến chuyển của thị hiếu tiêu dùng cộng với biến đổi khí hậu. Thách thức mới đòi hỏi ngành hàng lúa gạo cần có sự thích ứng để nâng cao chất lượng lúa gạo, giảm chí phí đầu vào, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và mở rộng thị trường tiêu thụ, tiến tới xây dựng thương hiệu gạo bền vững trên thị trường quốc tế.

Triển vọng xuất khẩu gạo năm 2024, xuất khẩu gạo năm tới sẽ tiếp tục thuận lợi, do Ấn Độ dự kiến sẽ duy trì hạn chế xuất khẩu gạo sang năm tới. Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo để kiểm soát đà tăng giá trong nước và bảo vệ người tiêu dùng. Trong khi đó, một số quốc gia nhập khẩu gạo truyền thống của Việt Nam như Indonesia, Philippines có nhu cầu tăng lượng nhập khẩu gạo. Các doanh nghiệp nước ta sẽ có thêm nhiều đơn hàng mới trong thời gian tới.

Theo các dự báo, đến năm 2025, dung lượng thị trường sầu riêng của Trung Quốc có thể đạt 20 tỉ USD và cả thế giới là 28,6 tỉ USD. Mức độ tăng trưởng của ngành sầu riêng thế giới trong giai đoạn 2019 – 2025 được dự báo khoảng 7,2%/năm. Như vậy, thời gian tới, thị trường tiêu thụ sầu riêng vẫn rất tốt. Do vậy, tính đến yếu tố bền vững, tăng cường chất lượng về sản phẩm và về giống./. 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *